Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

Màn gọi vốn "nóng bỏng" cho sản phẩm bọt tuyết thất bại t���i Shark Tank Việt Nam

Nguyễn Trường Sơn - nhà sáng lập của Công ty TNHH thiết bị bọt tuyết An Trường Phát - đến chương trình mong muốn được đầu tư 5 tỷ đồng đổi lấy 15% cổ phần.
Ở tập 8 chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ, trong khi hai màn gọi vốn đầu tiên thành công thì màn thương thuyết thứ ba lại thất bại do nhà sáng lập chưa hiểu về kinh doanh.
Ông Nguyễn Trường Sơn giới thiệu các sản phẩm bọt tuyết và bình xịt bọt tuyết nano bạc, có khả năng tẩy rửa các vật dụng nhà bếp, nhà tắm, giày vải... Trong đó, chất tẩy rửa được nhập khẩu từ châu Âu, có tính năng tẩy rửa rất hiệu nghiệm và nano bạc có tính diệt khuẩn cao không gây độc hại cho người tiêu dùng.
Hiện tại công ty chỉ mới đang sản xuất 1.800 chai để bán thử nghiệm nhưng chỉ bán được 500 chai vì người dùng còn xa lạ với sản phẩm. Trung bình các sản phẩm bình xịt có giá bán 65.000 đồng/chai, rẻ hơn so với các mặt hàng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan. Chi phí sản xuất mỗi bình xịt chiếm khoảng 50% giá bán.
Màn gọi vốn nóng bỏng cho sản phẩm bọt tuyết thất bại tại Shark Tank Việt Nam - Ảnh 1.
Chia sẻ này của nhà sáng lập khiến các "cá mập" chau mày, bởi theo Shark Phú trong ngành hàng tiêu dùng chi phí sản xuất chỉ được chiếm khoảng 20 - 30%. Shark Hưng cũng cho việc hạ giá bán của nhà sáng lập chính là điểm chết, bởi hành động này đã bóp chết các nhà phân phối tiếp theo và làm cho kênh phân phối bị khóa ngay lập tức.
Trong khi đó, startup cho biết ông đến chương trình không nhằm mục đích bán công ty, nhà sáng lập hy vọng đôi bên có thể hợp tác và các sharks có thể hỗ trợ kinh doanh.
Màn gọi vốn nóng bỏng cho sản phẩm bọt tuyết thất bại tại Shark Tank Việt Nam - Ảnh 2.
Cho rằng startup chưa hiểu rõ quy luật gọi vốn, Shark Phú lên tiếng khẳng định nhà đầu tư đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực và không có thời gian nghiên cứu sâu sản phẩm của các startup. Thông thường quyết định đầu tư được dựa trên tính toán hợp lý của startup và thời gian thu hồi vốn. Tuy nhiên, startup lại không đưa ra được kế hoạch kinh doanh cụ thể và bài toán định giá còn khá nhập nhằng. Vì thế rất nhanh chóng, Shark Phú tuyên bố không đầu tư.
Màn gọi vốn nóng bỏng cho sản phẩm bọt tuyết thất bại tại Shark Tank Việt Nam - Ảnh 3.
Đồng quan điểm với Shark Phú, Shark Linh cho rằng khi gọi vốn, startup cần nêu ra các chỉ số đã thực hiện thành công. Trong trường hợp chưa có, startup cần trình bày kế hoạch kinh doanh cùng chiến lược minh chứng sẽ thực hiện thành công kế hoạch đó. Hiện tại, nhà sáng lập không có một kế hoạch cụ thể. Vì thế nữ "cá mập" cũng từ chối đầu tư kèm lời khuyên startup nên dừng các khâu khác và tập trung tiếp thị cho một sản phẩm chiến lược.
Cũng quyết định rút lui, Shark Hưng đưa ra lý do ông không đầu tư là vì cho rằng startup hiểu về kinh tế nhưng không hiểu về kinh doanh. Căng thẳng xảy ra khi hai shark còn lại cũng quyết định từ chối rót vốn. Bởi đây không phải là lĩnh vực chuyên môn của cả hai.
Màn gọi vốn nóng bỏng cho sản phẩm bọt tuyết thất bại tại Shark Tank Việt Nam - Ảnh 4.
Thương vụ bất thành của An Trường Phát đã khép lại tập 8 nhưng đã để lại những bài học về quy luật gọi vốn và cách định giá công ty cho các startup khác.