Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục tăng trong 6 tháng cuối năm

Theo Bộ NNPTNT, 6 tháng đầu năm, nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây với mức tăng 4%. Giá trị XK nông-lâm thủy sản tăng trưởng 4,2%, tăng 12%, với kim ngạch XK ước tính đạt 19,4 tỉ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,9 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mặt hàng nông sản là điểm sáng của ngành như: Gạo, lâm sản và các sản phẩm ngoài gỗ, rau quả… Đặc biệt, ngành lúa gạo nổi lên như điểm sáng về giá trị xuất khẩu.Giá trị xuất khẩu gạo tăng 42%

[IMG]

XK gạo của Việt Nam trong tháng 6.2018 ước tính đạt 604.000 tấn, giá trị đạt 317 triệu USD, đưa khối lượng XK gạo 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 3,56 triệu tấn, giá trị đạt 1,81 tỉ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) - cho rằng: Gạo Việt Nam đang không ngừng được cải tiến chất lượng, bởi các DN đã chú trọng XK các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao. Các DN đã đổi mới, khép kín quy trình trồng trọt - chế biến - XK ứng dụng công nghệ cao; lúa được trồng trên các cánh đồng mẫu lớn, không trồng kiểu "xen da báo" nên chất lượng ổn định, không bị lai tạp... Trong tháng 6.2018, mặc dù giá gạo XK của các nước lớn đều giảm, nhưng giá gạo trắng 5% tấm XK của Việt Nam đạt 450USD/tấn, vẫn cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo XK cùng loại của Ấn Độ đạt 410USD/tấn và của Thái Lan đạt 435USD/tấn.Thị trường cuối năm ổn định
Theo các chuyên gia ngành lúa gạo, trong 6 tháng năm 2018, các thị trường có giá trị XK gạo tăng mạnh là: Iraq (gấp 25,7 lần), Malaysia (gấp 2,8 lần), Hoa Kỳ (gấp 2,4 lần), Hồng Kông (tăng 49%), Philippines (tăng 37,9%) và Gana (tăng 17,9%). Riêng thị trường Indonesia tăng đột biến, gấp 290,8 lần về lượng và tăng gấp 269,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 596.058 tấn, trị giá 280,04 triệu USD, chiếm 17,3% trong tổng kim ngạch XK hàng hóa các loại sang Indonesia. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm nay với 30% thị phần, đạt 844,1 ngàn tấn và 449,4 triệu USD. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) từ nay đến cuối năm, ngành còn thu hoạch thêm 3 vụ lúa. Nếu điều kiện thời tiết không bất thường, có khả năng lúa đạt 23,3 triệu tấn, nâng sản lượng lúa cả năm lên 43,9 triệu tấn, tăng ít nhất 1,2 triệu tấn so với năm 2017.
Đánh giá về tình hình thị trường XK gạo 6 tháng cuối năm 2018, các chuyên gia cho rằng, từ quý IV/2018 đến quý I/2019, nhu cầu về gạo từ thị trường Philippines sẽ tăng cao, khi Philippines mở thầu NK gạo theo chương trình tiếp cận thị trường tối thiểu (MAV) 2018 với 805.200 tấn, góp phần vào nhu cầu nhập gạo trên thị trường này tăng cao. Nhu cầu mua gạo thị trường Indonesia và Malaysia dự kiến vẫn ổn định. Bangladesh cũng đang có nhu cầu nhập khẩu gạo. Mặc dù Trung Quốc bị vướng vào cuộc chiến thương mại với Mỹ nhưng vẫn phải nhập khẩu gạo để phục vụ nhu cầu nội địa… Nhìn chung, tiêu thụ lúa gạo trong năm 2018 sẽ rất thuận lợi, song cần lưu ý: Trong quý III/2018, thị trường có thể gặp khó khăn do Thái Lan được mùa, giá gạo có thể bị giảm và đồng bath mất giá rất mạnh, khiến giá gạo của Thái Lan và Việt Nam chênh lệch nhau từ 15-20USD/tấn. "Do vậy, từ nay đến cuối năm chúng ta phải cạnh tranh về giá với Thái Lan. Nếu giá gạo Việt Nam cao quá sẽ khó bán, nhưng nếu đứng ở mức vừa phải thì XK gạo sẽ rất tốt, do chúng ta có thị trường và có khách hàng. Dự báo, quý IV/2018 và quý I/2019 thị trường lúa gạo sẽ rất tốt" - ông Trương Thanh Phong - Cố vấn Tập đoàn Golden Resources Development International. Ltd. H.K - nhận định.