Theo kết quả của cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An, giữa PVN và Oceanbank không có tài liệu nào thể hiện HĐQT PVN thống nhất thỏa thuận góp vốn giữa hai bên. Tổng số tiền 800 tỷ đồng có nguồn gốc từ doanh thu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN. Tại các lần thực hiện góp vốn vào Oceanbank, PVN đều ban hành Nghị Quyết trước khi Chính phủ có ý kiến.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố kết luận điều tra vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Ông Đinh La Thăng bị đề nghị truy tố về tội cố ý làm trái liên quan quá trình góp vốn của PVN vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) khiến PVN thiệt hại 800 tỷ đồng.
Rút vốn khỏi Hồng Việt
Theo Quyết định số 198 và 199/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVN được cùng tham gia góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần mới. Trong đó, tỷ lệ nắm giữ của Tập đoàn chiếm trên 50% vốn điều lệ.
Trên cơ sở đó, PVN thực hiện các thủ tục để thành lập Ban trù bị Ngân hàng TMCP Dầu khí, sau đó đổi tên thành Ban trù bị Ngân hàng TMCP Hồng Việt. Tháng 7/2008, để kiềm chế lạm phát theo chủ trương Chính phủ, PVN đã tiến hành rút vốn, không tham gia thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt.
"Phớt lờ" chỉ đạo của Chính phủ, đầu tư vào OceanBank gây hậu quả nghiêm trọng
Sau đó, tháng 9/2008, ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng Giám đốc CTCP Tài chính Dầu khí, Trưởng ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt cùng ông Hà Văn Thắm - Chủ tịch HĐQT OceanBank đã trao đổi về việc PVN trở thành cổ đông chiến lược của Oceanbank do ngân hàng này đang có nhu cầu tăng vốn điều lệ.
Cơ cấu vốn góp bao gồm 20% của PVN, tương đương 400 tỷ đồng; các cổ đông là cán bộ công nhân viên của PVN đã tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt nắm 10% vốn.
Ngày 19/8/2008, sau khi làm việc với Oceanbank, ông Nguyễn Ngọc Sự - Phó Tổng Giám đốc PVN đã có văn bản số 140B/CVNB-NNS gửi ông Đinh La Thăng về kết quả đàm phán với Hà Văn Thắm. Trong đó nêu rõ "Ngân hàng TMCP Đại Dương có quy mô nhỏ, khả năng thanh khoản thấp..."
Cùng ngày, ông Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận số 6934/TTHT-PETROVIETNAM&OCEANBANK với Hà Văn Thắm để PVN tham gia góp vốn vào Oceanbank theo nội dung hai bên thống nhất.
Đáng nói, phải đến ngày 29/9, ông Đinh La Thăng mới có bút phê "xin ý kiến TV HĐQT" về việc này. Sau đó, các thành viên còn lại của HĐQT PVN mới biết PVN có chủ trương góp vốn vào OceanBank và ông Thăng đã ký thỏa thuận.
Ngày 1/10/2008, trong khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Ông Đinh La Thăng PVN đã thực hiện góp 400 tỷ đồng (tỷ lệ 20% vốn điều lệ) và cán bộ công nhân viên PVN góp 200 tỷ đồng (tỷ lệ 10%) trong đợt phát hành tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng của OceanBank. Sau đó ngày 14/10, Bộ Tài Chính đã có công văn yêu cầu PVN giải trình và chịu trách nhiệm về hiệu quả của hoạt động đầu tư này. Tuy nhiên, PVN không hề có phản hồi.
Ngày 24/5/2010, khi Ocean bank xin phê duyệt phương án tăng vốn đợt 2 lên 5.000 tỷ đồng ông Đinh La Thăng đã có ý kiến "đồng ý tăng vốn". Sau đó, ông Vũ Khánh Trường - Thành viên Hội đồng Quản trị PVN được ủy quyền ký Nghị quyết 4658/NQ-DKVN kèm Phụ lục về phương án chấp thuận tăng vốn của Ocean bank đồng thời PVN góp vốn bổ sung để duy trì tỷ lệ sở hữu 20%. Dù vậy, phải đến ngày 6/8/2010, ông Đinh La Thăng mới trinh Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Hai tháng sau, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo trong trường hợp khó khăn về vốn PVN không nhất thiết phải nắm giữ 20% vốn cổ phần của Ocean bank. Đáng chú ý, ông Đinh La Thăng tiếp tục phớt lờ chỉ đạo này và vẫn tiến hành tăng vốn như đã quyết định. Thời điểm này, ông Nguyễn Tiến Dũng có văn bản chỉ đạo PVN chuyển thêm 300 tỷ đồng vào tài khoản Ocean bank với lý do "theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính Phủ".